SKKN: Mở bài, tách đoạn trong văn nghị luận
Lượt xem:
PHẦN MỞ ĐẦU
I. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI:
Trong những năm gần đây, tình hình học tập của học sinh trong trường THPT có sự biến đổi theo chiều hướng đáng lo ngại, với tình trạng học sinh chây lười trong việc học các môn học xã hội, trong đó có bộ môn Ngữ văn. Tình trạng học sinh lười học môn Ngữ văn dẫn đến cách viết một câu văn, đoạn văn hay đặc biệt là phần mở bài cho một bài văn các em thực hiện không đúng theo yêu cầu. Chính vì lẽ đó, kết quả cuối cùng mà học sinh đạt được chưa cao.
Ngữ văn là một môn học có sự tích hợp nhiều nhất: Từ sự hợp lực của ba phân môn (Đọc văn, Tiếng Việt, Làm văn); từ kiến thức của các môn học khác (Lịch sử, Địa lý, GDCD, Xã hội học), từ kiến thức trong cuộc sống xã hội; từ các tri thức kỹ năng, phương pháp giảng dạy, từ kinh nghiệm của thực tiễn.
Từ kết quả đạt được của bản thân cũng như từ yêu cầu thực tiễn đó, tôi xin trình bày sáng kiến kinh nghiệm của mình để chia sẻ với đồng nghiệp, đặc biệt là những giáo viên đang trực tiếp giảng dạy bộ môn Ngữ văn ở trường THPT. Mong sao được sự tiếp nhận, chia sẻ và áp dụng của các đồng nghiệp để cùng nâng cao chất lượng dạy học cho học sinh.
II. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU:
Học sinh trong trường THPT.
III. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU:
– Tìm hiểu thực trạng chất lượng học tập của học sinh ở các lớp trực tiếp giảng dạy.
– Áp dụng vào thực tiễn các lớp giảng dạy.
– Trao đổi rút kinh nghiệm với đồng nghiệp.
– Phương pháp nghiên cứu sư phạm.
– Phương pháp tổng kết, rút kinh nghiệm.
IV. GIỚI HẠN VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU:
Giới hạn: Đề tài chỉ tập trung vào việc Mở bài và tách đoạn trong bài văn nghị luận văn học.
Phạm vi nghiên cứu: Chất lượng bài viết của học sinh ở trong các giờ kiểm tra trong nhà trường và đặc biệt là ở các lớp trực tiếp giảng dạy.
V. CƠ SỞ LÍ LUẬN CỦA VẤN ĐỀ:
– Quyết định số 03/2002/QĐ-BGD&ĐT, ngày 24/01/2002 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Môn Ngữ văn được triển khai dạy học theo nguyên tắc tích hợp (đọc văn – tiếng Việt – tập làm văn) nhằm phát huy tính chủ động, tích cực của học sinh. Trong những năm gần đây, vấn đề này lại càng được chú trọng.
– Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2 của BCH TW Đảng khoá VIII nêu rõ: “Đổi mới phương pháp giáo dục đào tạo, khắc phục lối truyền thụ một chiều rèn luyện thành nếp tư duy sáng tạo của người học”, “phương pháp giáo dục phải phát huy tính tích cực tự giác, chủ động, sáng tạo của người học, bồi dưỡng lòng say mê học tập và ý chí vươn lên”.
VI. CƠ SƠ THỰC TIỄN:
– Học sinh xem nhẹ các môn khoa học xã hội trong đó có môn Ngữ văn mà coi trọng các môn KHTN, chính vì thế khi làm bài viết các em thường chỉ viết qua loa, sơ sài, không chú tâm mà chỉ viết để đối phó với thầy cô.
– Giáo viên khi chấm bài kiểm tra của học sinh chưa thực sự chú ý đến cách viết phần mở bài hay tách đoạn của học sinh chỉ tập trung vào phần nội dung các em đạt được cái gì để chấm bài. Giờ trả bài thường chỉ qua loa chiếu lệ cho xong.
– Chất lượng học tập thực tế của các em học sinh còn thấp, chưa đạt kết quả như mong muốn.
PHẦN NỘI DUNG
I. THỰC TRẠNG BAN ĐẦU
1. Chất lượng môn Ngữ văn ở trường THPT hiện nay:
Chất lượng môn Ngữ văn ở trường THPT hiện nay thường thấp bởi Tập làm văn là một phân môn khó – đặc trưng của phân môn này là yêu cầu học sinh phải biết vận dụng kiến thức đã được học ở phân môn đọc văn và tiếng Việt vào việc làm văn.
2. Thực trạng của phân môn Làm văn hiện nay ở trường THPT:
– Không hiếm tình trạng giáo viên chỉ chú trọng đến giờ Đọc văn, xem nhẹ giờ Làm văn, chỉ dạy qua loa, chiếu lệ cho xong.
– Ý thức học môn Văn của học sinh chưa cao, biểu hiện rõ nhất của học sinh trước một đề văn là chỉ đọc qua loa đề bài một đến hai lần, không nghiên cứu kĩ đề ra chính vì vậy thường tỏ ra lúng túng ngay ở khâu tìm hiểu đề, xác định các yêu cầu, cho đến công đoạn vận dụng kiến thức văn chương, lịch sử, xã hội… và năng lực tư duy ngôn ngữ để triển khai, lập dàn ý.
– Đáng lưu ý hơn nữa là tình trạng mò mẫm trong công đoạn tạo văn bản hoàn chỉnh. Nhiều bài viết của học sinh còn bộc lộ tình trạng làm bài mà không hề có ý thức về việc vận dụng kiến thức mà môn Làm văn đã cung cấp, bỏ qua công đoạn phân tích, tìm hiểu đề, tìm ý và lập dàn ý, cứ đọc đề ra xong thì bắt tay vào viết: nghĩ sao viết vậy, lắp ghép câu chữ tùy tiện, quanh quẩn lặp lại những điều đã viết, đến lúc không nghĩ ra được điều gì nữa thì kết thúc bài. Đó là những bài văn lạc đề, lệch đề, không có kết cấu rõ ràng, có nhiều câu văn không thành câu, từ ngữ thiếu chính xác, sai chính tả. Từ đầu đến cuối của một bài làm văn không có ngắt dòng, tách đoạn văn dẫn đến người đọc cảm nhận và hiểu rất khó.
– Từ thực tế đó chúng ta có thể thấy kết quả của môn học qua khảo sát đầu năm học của những lớp giảng dạy là:
– Lớp 12A1: 51% trên TB
– Lớp 12A6: 48% trên TB
– Lớp 12A9: 37% trên TB
Như vậy ta có thể thấy nếu không có phương pháp cách thức tiến hành phù hợp và có những đổi mới nhất định thì chất lượng môn học của học sinh sẽ không được như mong muốn.
Sau đây là trích một số đoạn của HS:
“Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng.
Đây mùa thu tới, mùa thu tới,
Với áo mơ phai dệt lá vàng.
Khổ thơ trên nói lên hình ảnh của một người con gái đã có chồng thì bây giờ chồng qua đời cô cảm thấy cô đơn, cô lo nghĩ không biết số phận mình ra sao, cuộc đời cô thật bất hạnh đã chịu sự đau thương, tang tóc trước sự mất mát
to lớn đó không thể nào bù đắp được cho cô.
Hoặc: Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng: giọt lệ như mưa, một nỗi buồn vẫn mêng mông bao la, nỗi xa người yêu là thế. Mọi người chúng ta ai ai đều có sự yêu thương vậy mà thực dân chủ nghĩa tư bản Phương tây nó không có trái tim hay sao. Nó không có nước mắt hay sao.
3. Từ những vấn đề thực tiễn trên nên người viết đã đặt ra vấn đề là phải có sự đổi mới và cố gắng tìm ra những hạn chế của học sinh để có biện pháp khắc phục, hướng dẫn các em làm một bài văn tốt hơn.
Làm thế nào để học sinh phổ thông có những bài văn nghị luận có hành văn trôi chảy, lôgic, mạch lạc? Đó là câu hỏi của rất nhiều giáo viên dạy bộ môn Ngữ văn. Vậy để điều đó trở thành hiện thực đòi hỏi người giáo viên phải tốn nhiều công sức tìm phương pháp phù hợp. Riêng đối với tôi, qua thực tế giảng dạy tôi đã rút ra được một số phương pháp giúp học sinh làm tốt một bài văn nghị luận. Nhưng do điều kiện khách quan, do yêu cầu một bài sáng kiến kinh nghiệm người viết chỉ chọn một vấn đề của bài văn nghị luận: Cách viết mở bài và cách tách đoạn văn trong bài văn nghị luận văn học.
Trong bài văn phần mở bài là phần phụ, không quan trọng, nhưng có thể nói phần này lại là phần “hồn” của bài văn nghị luận. Đọc phần mở bài, giáo viên có thể nhận biết trình độ, năng khiếu viết văn của học sinh, có thể đánh giá năng lực học Văn của học sinh.
II. ĐỀ XUẤT CÁC BIỆN PHÁP THỰC HIỆN
1. Cách mở bài
1.1. Với đối tượng học sinh “biết cách làm văn” nói chung
Trong một bài làm văn phần mở bài thường có hai vấn đề sau:
1.1.1.Viết các câu dẫn nhập
Viết các câu dẫn nhập nói chung là khó. Bởi vì câu dẫn nhập đầu tiên là câu văn “khởi động” cả quá trình tạo văn bản phức tạp. Nó chi phối, quy định các câu tiếp theo, nên có thể gây khó khăn hay tạo điều kiện thuận lợi cho người viết trong việc dẫn nhập. Tuy nhiên về phương diện tâm lý, nếu có ý thức rõ về bước “khởi động” quan trọng này, viết dẫn nhập vẫn không phải là chuyện nan giải. Trước hết cần xác định rõ điểm “xuất phát” và khoảng cách giữa điểm “xuất phát” với đề tài được bàn luận trong bài.
Chẳng hạn, nếu đề tài được bàn luận là nhân vật thì điểm xuất phát gần nhất là tác phẩm, xa hơn nữa là tác giả, hoàn cảnh sáng tác, là bối cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội có liên quan đến tác phẩm; xa hơn nữa là trào lưu sáng tác, giai đoạn văn học….. Có thể minh họa điều này bằng một ví dụ cụ thể.
Trong trường hợp đề văn yêu cầu phân tích nhân vật Hộ trong tác phẩm “Đời thừa” của nhà văn Nam Cao, thì trong phần mở bài có thể chọn điểm xuất phát và từng bước dẫn vào như sau:
– Vị trí của Nam Cao trong trào lưu văn học hiện thực phê phán Việt Nam thế kỷ XX, giai đoạn 1930-1945.
– Hai loại đề tài mà Nam Cao thường khai thác trong các sáng tác trước năm 1945.
– “Đời thừa”- một thành công tiêu biểu của Nam Cao về đề tài người trí thức nghèo.
– Nhân vật Hộ trong tác phẩm ít nhiều mang bóng dáng của nhà văn Nam Cao.
Trên cơ sở xuất phát điểm đã xác định, người viết từng bước dẫn vào đề bài bằng những câu trần thuật nêu nhận định, câu nghi vấn, hay phối hợp câu trần thuật với câu nghi vấn.
Chẳng hạn, có thể viết mở bài về nhân vật Hộ như sau:
Phần dẫn nhập cho mở bài thứ 1:
Nam Cao là một trong những đại biểu xuất sắc của văn học hiện thực phê phán Việt Nam giai đoạn 1930-1945. Ở giai đoạn văn học này nhà văn tập trung vào hai đề tài chính: cuộc sống cùng quẫn, thê thảm của người nông dân ở nông thôn và cuộc sống mòn mỏi, bế tắc của người trí thức nghèo ở thành thị. Trong những truyện viết về người trí thức, có thể nói “Đời thừa” là một thành công tiêu biểu. Nhân vật trung tâm của truyện là nhà văn Hộ, một nhân vật ít nhiều mang bóng dáng của nhà văn Nam Cao.
* Nếu bài viết bàn về truyện “Vợ nhặt” của Kim Lân, có thể chọn điểm xuất phát và các bước dẫn vào đề bài:
– Kim Lân, một hiện tượng đặc biệt trong nền văn xuôi hiện đại Việt Nam.
– “Vợ nhặt” một kiệt tác của Kim Lân và của nền văn xuôi Việt Nam thế kỉ XX.
– Nạn đói năm Ất Dậu và hướng khai thác đề tài độc đáo, sáng tạo của Kim Lân.
Trên cơ sở đó, có thể dẫn nhập:
Phần dẫn nhập cho mở bài thứ 2:
Kim Lân là một hiện tượng đặc biệt trong nền văn xuôi Việt Nam hiện đại. Cả cuộc đời cầm bút, ông viết không nhiều. Nhưng khi đề cập đến thành tựu của truyện ngắn hiện đại Việt Nam, không ai không nghĩ đến “Vợ nhặt” của ông, một kiệt tác văn xuôi của thế kỉ XX. Đề tài của truyện là nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu 1945, đã được nhà văn khai thác một cách độc đáo, đầy sáng tạo.
Cũng có thể lấy ngay đề tài làm điểm xuất phát để dẫn nhập, nghĩa là câu mở đầu của bài viết nêu lên nhận định về chính đề tài. Chẳng hạn có thể vào “Vợ nhặt” như sau:
“Vợ nhặt” là một kiệt tác của Kim Lân, đồng thời cũng là kiệt tác của nền văn xuôi thế kỉ XX.
Yêu cầu chung đầu tiên của việc dẫn nhập là “tự nhiên” và có “hướng đích xác định”. Cần tránh lối dẫn nhập màu mè, gượng ép hay phô trương kiến thức
một cách vô bổ mà không có giá trị thông tin.
1.1.2. Viết câu luận đề:
Nêu luận đề là bước nối tiếp dẫn nhập, nếu người viết muốn nêu luận đề ngay trong phần mở bài. Luận đề có thể được nêu trong cả câu luận đề hay một thành phần câu nào đó. Câu luận đề có thể là câu đơn, câu ghép, và là câu trần thuật, khẳng định, nêu lên một nhận định khái quát, với hai thành tố nội dung cơ bản: Đối tượng và đặc trưng của đối tượng. Yêu cầu cơ bản của câu văn này là phải bao quát được luận đề và xác định về đối tượng và nội dung nhận định.
Chẳng hạn, có thể viết câu luận đề tiếp nối theo hai chuỗi câu dẫn nhập ở trên tạo thành hai phần mở bài hoàn chỉnh.
Mở bài thứ 1:
Nam Cao là một trong những đại biểu xuất sắc của văn học hiện thực phê phán Việt Nam giai đoạn 1930-1945. Ở giai đoạn văn học này nhà văn tập trung vào hai đề tài chính: cuộc sống cùng quẫn, thê thảm của người nông dân ở nông thôn và cuộc sống mòn mỏi, bế tắc của người trí thức nghèo ở thành thị. Trong những truyện viết về người trí thức, có thể nói “Đời thừa” là một thành công tiêu biểu. Nhân vật trung tâm của truyện là nhà văn Hộ, một nhân vật ít nhiều mang bóng dáng của nhà văn Nam Cao. Qua cuộc đời của nhà văn Hộ, Nam Cao đã làm nổi bật lên sự sa sút, thui chột về tài năng và nhân cách của người trí thức trong hoàn cảnh bần cùng, bế tắc.
Mở bài thứ 2:
Kim Lân là một hiện tượng đặc biệt trong nền văn xuôi Việt Nam hiện đại. Cả cuộc đời cầm bút, ông viết không nhiều. Nhưng khi đề cập đến thành tựu của truyện ngắn hiện đại Việt Nam, không ai không nghĩ đến “Vợ nhặt” của ông, một kiệt tác văn xuôi của thế kỉ XX. Đề tài của truyện là nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu 1945, đã được nhà văn khai thác một cách độc đáo, đầy sáng tạo. Qua sự kiện Tràng tình cờ nhặt được vợ, Kim Lân đã làm nổi bật lên vấn đề giá trị, nhân phẩm của con người và những phẩm chất tốt đẹp của người lao động cùng khổ trong hoàn cảnh xã hội khủng hoảng, đen tối.
Ngoài cách nêu luận đề một cách rõ ràng xác định người viết có thể nêu luận đề một cách lấp lững: có nói đến khái niệm vấn đề kèm theo sự đánh giá nhưng không nói rõ nội dung của vấn đề là gì.
Trong phần mở bài, người viết còn có thể không nêu vấn đề, chỉ dẫn nhập bình thường hay dẫn nhập vào tình huống mang tính chất tranh luận rồi bỏ lửng. Trong những trường hợp này, luận đề sẽ được người viết khái quát lại nêu ra sau, ở cuối phần thân bài hay kết bài.
Chẳng hạn, có thể mở bài cho bài nghị luận phân tích truyện “Chí Phèo” của Nam Cao: cách dẫn vào tình huống tranh luận về chủ đề của tác phẩm này.
“Chí Phèo” là một kiệt tác của Nam Cao và là kiệt tác của nền văn xuôi hiện đại Việt Nam. Thế nhưng cho đến nay, chung quanh chủ đề của tác phẩm này, vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau. Có quan niệm cho rằng chủ đề của “Chí Phèo” là sự tha hoá biến chất của một bộ phận nông dân Việt Nam dưới ách áp bức, bóc lột cùng cực của bọn thực dân phong kiến (Hà Minh Đức chủ biên: “Lý luận văn học”- NXB Giáo Dục, 2000).
Quan niệm khác thì lại cho rằng: “Vẽ nên hình ảnh người nông dân lưu manh đầy thú tính, Nam Cao không bôi nhọ nông dân, mà trái lại đã đi sâu vào đời sống tâm hồn của nhân vật để phát hiện và khẳng định nhân phẩm đẹp đẽ của người nông dân ngay trong khi họ bị rạch nát bộ mặt người, giết chết tâm hồn người” ( “Lịch sử văn học Việt Nam 1930-1945”, tập V, phần I, NXB Giáo Dục, 1976).
Lại có ý kiến khác nhận định rằng, vấn đề mà Nam Cao đặt ra trong “Chí Phèo” là “bi kịch của con người bị từ chối quyền làm người” (Nguyễn Văn Trung: “xây dựng tác phẩm tiểu thuyết”, Sài Gòn, 1965), … Vậy, vấn đề sâu xa mà Nam Cao muốn đặt ra trong “Chí Phèo” là gì?
Trong phần mở bài, nêu luận đề một cách rõ ràng, xác định, nêu lấp lửng hay không nêu, điều đó chủ yếu là do ý đồ trình bày của người viết và mỗi cách có lợi thế riêng.
1.2. Với đối tượng là học sinh yếu (cách mở bài này dễ và thường được sử dụng nhiều nhất)
Với đối tượng này cách viết phần dẫn nhập và câu luận đề sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, vì vậy cần phải hướng dẫn các em viết phần mở bài cụ thể, đi vào yêu cầu trực tiếp của đề bài – giống như phần đật vấn đề trong bài Nghị luận về một tác phẩm, một đoạn trích văn xuôi – SGK Ngữ văn 12, tập II.
Ví dụ:
Đế 1: Anh/chị hãy phân tích tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân để thấy được thân phận của người dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám.
Mở bài thường được viết như sau:
Kim Lân (1920 – 2007), tên thật là Nguyễn Văn Tài. Quê ông ở Từ Sơn Bắc Ninh, ông sinh ra trong một gia đình nghèo, vì thế học hết bậc tiểu học ông phải đi làm để kiếm sống. Ông để lại một số tác phẩm tiêu biểu như: Nên vợ nên chồng, Đôi chim thành, Con gà mái, hay tập truyện ngắn Con chó xấu xí… Trong đó tiêu biểu nhất là tác phẩm Vợ nhặt. Tác phẩm Vợ nhặt tiền thân của nó là tiểu thuyết Xóm ngụ cư được viết ngay sau những ngày đầu Cách mạng tháng Tám thàng, công sau đó bị mất bản thảo và đến ngày hoà bình lập lại Kim Lân viết lại truyện ngắn này dựa vào nội dung cốt truyện cũ. “Vợ nhặt” phản ánh cuộc sống của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám.
Đế 2: Anh/chị hãy phân tích đoạn trích sau trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu để thấy được vẽ đẹp của thiên nhiên đất nước con người ở chiến khu Việt Bắc trong cuộc kháng chiến chống Pháp:
Ta về, mình có nhớ ta
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người.
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình.
Rừng thu trăng rọi hoà bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung.
(Việt Bắc – Tố Hữu)
Mở bài thường được viết như sau:
Tố Hữu (1920-2002) tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành, quê ở Quảng Điền, Thừa Thiên Huế. Ông sinh ra trong một gia đình nhà nho. Tố Hữu đã có nhiều cống hiến cho nền văn học nước nhà. Ông để lại số lượng tác phẩm đồ sộ, với nhiều tập thơ nổi tiếng như: Từ ấy, Việt Bắc, Gió lộng, Ra trận, Máu và hoa… Bài thơ Việt Bắc được in trong tập thơ cùng tên xuất bản năm 1954. Với Việt Bắc là hình ảnh hào hùng trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta. Đặc biệt đoạn thơ trên đã khơi gợi lên hình ảnh tươi đẹp của thiên nhiên đất nước con người Việt Bắc trong cuộc kháng chiến đó.
Như vậy đối với dạng mở bài này yêu cầu học sinh trực tiếp đi vào ba vấn đề cơ bản sau: tác giả; các sáng tác chính; tác phẩm mà đề bài yêu cầu nghị luận.
2. Cách tách đoạn văn:
Trong bài làm của học sinh hiện nay, thường các em không biết cách tách đoạn văn để nhấn mạnh ý hay phát triển ý, hay kết thúc một ý. Mà một bài văn của các em thường được phân thành ba đoạn văn: mở bài một đoạn, thân bài một đoạn, kết bài một đoạn. Chính vì thế nhìn vào bài làm văn của các em rất “tức mắt”. Vì vậy giáo viên có thể hướng dẫn học sinh tách đoạn ra theo các vấn đề như sau:
* Có 3 nguyên tắc chia tách văn bản thành đoạn văn
– Nguyên tắc phân đoạn khách quan: bất kì văn bản nào cũng không vượt qua các thông số sau:
+ Chủ thể.
+ Không gian.
+ Thời gian.
+ Vị thể.
Sự thay đổi một trong các yếu tố này dẫn đến chia tách đoạn văn.
– Nguyên tắc phân đoạn phục vụ người nhận: Tạo điều kiện cho người nhận tiếp nhận dễ nhất.
Độ dài đoạn văn phụ thuộc vào:
+ Người nhận.
+ Nội dung văn bản:
Khó.
Động: đoạn văn ngắn.
Tĩnh: đoạn văn dài.
– Nguyên tắc phân đoạn nhấn mạnh: Những chỗ cần nhấn mạnh thì tách ra thành một đoạn văn riêng.
* Có 3 phương pháp nhấn mạnh:
+ Thuần tuý hình thức: to, in đậm, in nghiêng…. (Đối với văn bản sử dụng công nghệ thông tin, còn bài viết của học sinh thì không thể thực hiện)
+ Nhấn mạnh bằng phương thức từ vựng: Đặc biệt là, nổi bật nhất là, đây là đặc điểm nổi bật nhất là….
+ Nhấn mạnh phương thức ngữ pháp: tách một bộ phận của phát ngôn, câu thành một bộ phận, một câu riêng.
Như vậy trong quá trình viết một bài văn học sinh phải chú ý đến cách chia tách các đoạn văn để dễ tiếp nhận. Tránh trường hợp phần thân bài trong bài văn chỉ là một đoạn văn từ đầu đế khi kết thúc.
II. KẾT QUẢ VÀ VIỆC VẬN DỤNG VÀO THỰC TIỄN.
Qua thực tế giảng dạy, với phương pháp, cách thức thực hiện như trên học sinh đã có một bước tiến bộ rõ rệt trong việc viết phần mở bài hay tách đoạn cho một bài văn. Những học sinh trung bình có khả năng viết văn tốt hơn, những học sinh yếu viết được phần mở bài mạch lạc, sáng sủa, bài văn không còn ba đoạn như trước nữa, mà đã được phân ra các đoạn khác nhau tuỳ thuộc vào nội dung.
Và từ đó kết quả cụ thể ba lớp dạy khi kết thúc học kỳ I như sau:
– Lớp 12A1: 58% trên TB
– Lớp 12A6: 55% trên TB
– Lớp 12A9: 46% trên TB
Như vậy nhìn vào kết quả trên chúng ta có thể nhận thấy chất lượng học tập của các em đã có sự thay đổi, tuy chưa phải là nhiều nhưng chúng ta phải thấy rằng đó là một sự chuyển biến tích cực và cần phát huy, áp dụng vào thực tiễn.
PHAÀN KEÁT LUAÄN CHUNG
Tóm lại, để học sinh viết tốt phần mở bài nói riêng và bài văn nghị luận nói chung đồng thời biết cách chia tách các đoạn văn trong bài văn nghị luận không chỉ đòi hỏi phương pháp giảng dạy của người giáo viên, mà năng khiếu, kỹ năng viết văn vốn có của học sinh là rất quan trọng.
Tuy nhiên, phương pháp khoa học, phù hợp của giáo viên sẽ góp phần không nhỏ trong việc nâng cao kết quả học tập của học sinh, nhất là môn văn – một môn vừa đòi hỏi tư duy nhiều, vừa đòi hỏi năng khiếu thiên bẩm của người học. Vì vậy theo tôi đây là một phương pháp rất bổ ích giúp học sinh yếu, trung bình rèn luyện được cách viết văn viết tốt bài văn nghị luận.
Trên đây là một kinh nghiệm nhỏ mà tôi đã áp dụng thành công trong quá trình giảng dạy. Nhưng không thể không có những suy nghĩ phiến diện một chiều và có những thiếu sót nhất định, tôi mong muốn nhận được sự đóng góp ý kiến từ phía đồng nghiệp để trong quá trình giảng dạy giúp cho học sinh viết được một bài văn trong sáng hơn, tốt hơn, cùng nhau nâng cao chất lượng học tập của học sinh, thực hiện tốt nhiệm vụ trồng người cao cả của chúng ta. Tôi hy vọng phương pháp này sẽ được phổ biến và áp dụng thành công trong tương lai ở nhiều giáo viên khác trong việc dạy học môn làm văn. Tuy nhiên, đó chỉ là mong muốn chủ quan của người viết. Giá trị đích thực của phương pháp này là ở sự đánh giá, áp dụng vào thực tiễn của các bạn đồng nghiệp. Rất mong nhận được những ý kiến đóng góp chân tình của quý đồng nghiệp.
Xin chân thành cảm ơn!
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Sách giáo khoa Ngữ văn 11 tập 1 – NXB GD, 2007.
2. “Lý luận văn học” Hà Minh Đức chủ biên – NXB Giáo Dục, 2000.
3. Lịch sử văn học Việt Nam 1930-1945, tập V, phần I, NXB Giáo Dục, 1976.
4. Nguyễn Văn Trung: “xây dựng tác phẩm tiểu thuyết”, Sài Gòn, 1965.
5. Sách giáo khoa ngữ văn 12, tập 1, tập 2 – NXB GD, 2007.