DE KIEM TRA HKII – NGU VAN 12
Lượt xem:
ĐỀ KIỂM TRA HỌC KỲ 2 – NĂM HỌC 2018-2019
Môn Ngữ văn – Lớp 12
(Thời gian làm bài 90 phút, không kể thời gian giao đề)
I. ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:
Tuổi trẻ là đặc ân vô giá của tạo hóa ban cho bạn. Vô nghĩa của đời người là để tuổi xuân trôi qua trong vô vọng. (…) Người ta bảo, thời gian là vàng bạc, nhưng sử dụng đúng thời gian của tuổi trẻ là bảo bối của thành công. Tài năng thiên bẩm chỉ là điểm khởi đầu, thành công của cuộc đời là mồ hôi, nước mắt và thậm chí là cuộc sống. Nếu chỉ chăm chăm và tán dương tài năng thiên bẩm thì chẳng khác nào chim trời chỉ vỗ cánh mà chẳng bao giờ bay được lên cao. Mỗi ngày trôi qua rất nhanh. Bạn đã dành thời gian cho những việc gì? Cho bạn bè, cho người yêu, cho đồng loại và cho công việc? Và có bao giờ bạn rùng mình vì đã để thời gian trôi qua không lưu lại dấu tích gì không?
Các bạn hãy xây dựng tầm nhìn rộng mở (…), biến tri thức của loài người, của thời đại thành tri thức bản thân và cộng đồng, vận dụng vào hoạt động thực tiễn của mình. Trước mắt là tích lũy tri thức khi còn ngồi trên ghế nhà trường để mai ngày khởi nghiệp; tự mình xây dựng các chuẩn mực cho bản thân; nhận diện cái đúng, cái sai, cái đáng làm và cái không nên làm. Trường đời là trường học vĩ đại nhất, nhưng để thành công bạn cần có nền tảng về mọi mặt, thiếu nó không chỉ chông chênh mà có khi vấp ngã.
(Theo Báo mới.com; 26/03/2016)
Câu 1. Chỉ ra điều cần làm trước mắt được nêu trong đoạn trích.
Câu 2. Phân tích ngắn gọn tác dụng của các câu hỏi tu từ sau: “Bạn đã dành thời gian cho những việc gì? Cho bạn bè, cho người yêu, cho đồng loại và cho công việc? Và có bao giờ bạn rùng mình vì đã để thời gian trôi qua không lưu lại dấu tích gì không?”
Câu 3. Anh/ chị hiểu thế nào về ý kiến: “Trường đời là trường học vĩ đại nhất, nhưng để thành công bạn cần có nền tảng về mọi mặt”?
Câu 4. Anh/ chị có cho rằng “Tài năng thiên bẩm chỉ là điểm khởi đầu, thành công của cuộc đời là mồ hôi, nước mắt và thậm chí là cuộc sống” không? Vì sao?
II. LÀM VĂN (6.0 điểm)
Trong màn đối thoại giữa Trương Ba với Đế Thích, Đế Thích cho rằng: “Thế ông ngỡ mọi người đều được là mình toàn vẹn cả ư? Ngay cả tôi đây. Ở bên ngoài, tôi đâu có được sống theo những điều tôi nghĩ bên trong”. Còn với Trương Ba thì : “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”.
Phân tích màn đối thoại giữa Trương Ba với Đế Thích để thấy vẻ đẹp nhân cách của nhân vật Trương Ba. Đồng thời nêu triết lí được tác giả gửi gắm qua màn đối thoại ấy.
— Hết —
Họ và tên thí sinh:………………………………………………. Số BD:…………………
HƯỚNG DẪN CHẤM
I. ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Ý Nội dung Điểm
1 Điều cần làm trước mắt là:
– tích lũy tri thức khi còn ngồi trên ghế nhà trường để mai ngày khởi nghiệp;
– tự mình xây dựng các chuẩn mực cho bản thân;
– nhận diện cái đúng, cái sai, cái đáng làm và cái không nên làm.
(Lưu ý: HS nêu đủ các điều cần làm mới cho điểm tối đa; chỉ nêu được 2/3 điều thì cho 0,25 điểm) 0,5
2 – Câu hỏi tu từ: Bạn đã dành thời gian cho những việc gì ? Cho bạn bè, cho người yêu, cho đồng loại và cho công việc? Và có bao giờ bạn rùng mình vì đã để thời gian trôi qua không lưu lại dấu tích gì không ?
– Tác dụng: Hỏi thể hiện sự trăn trở về việc sử dụng quỹ thời gian, cảnh báo việc để thời gian trôi qua một cách vô nghĩa. Từ đó nhắc nhở mỗi người trân quý thời gian và có ý thức sử dụng thời gian hiệu quả, ý nghĩa. 1,0
3 – Ý kiến: “Trường đời là trường học vĩ đại nhất, nhưng để thành công bạn cần có nền tảng về mọi mặt” có thể hiểu:
+ Đời sống thực tiễn là một môi trường lí tưởng, tuyệt vời để chúng ta trau dồi kiến thức, rèn luyện kinh nghiệm, bồi dưỡng nhân cách…;
+ Song muốn thành công trước hết ta cần chuẩn bị hành trang, xây dựng nền móng vững chắc từ nhiều môi trường giáo dục khác như gia đình, nhà trường… 1,0
4 – Nêu rõ quan điểm đồng tình hoặc không đồng tình.
– Lí giải hợp lí, thuyết phục.
– Hình thức: một đoạn văn hoàn chỉnh. 1,5
II. LÀM VĂN (6,0 điểm)
Phần Nội dung Điểm
Mở bài Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm và đoạn trích. 0,75
Thân bài – Hoàn cảnh dẫn đến cuộc đối thoại:
+ Sau ba tháng ngụ cư trong xác hàng thịt, Trương Ba ngày càng trở nên xa lạ với chính mình và với người thân, bị người thân nghi ngờ, xa lánh.
+ Trong tâm trạng đau đớn, chán chường trước cuộc sống không thật là mình, trước cái chỗ ở không phải của mình, Hồn Trương Ba khao khát tách ra, rời khỏi thể xác thô lỗ: “Ta chỉ muốn rời xa mi tức khắc!”.
– Diễn biến cuộc đối thoại:
+ Trương Ba nêu rõ nguyện vọng muốn được là mình toàn vẹn. Đế Thích không thể thỏa mãn được ý muốn của Trương Ba vì xác của Trương Ba đã tan rữa trong bùn đất; Đế Thích khuyên Trương Ba nên chấp nhận hoàn cảnh thực tại vì thế giới vốn không toàn vẹn.
+ Trương Ba thẳng thắn chỉ ra sai lầm của Đế Thích; trình bày quan niệm của mình về ý nghĩa của cuộc sống và dứt khoát xin trả lại thân xác cho anh hàng thịt.
+ Đế Thích muốn sửa sai bằng một giải pháp khác là cho hồn Trương Ba nhập vào xác cu Tị và đưa ra những lí lẽ để thuyết phục Trương Ba. Trương Ba tưởng tượng thấy bao nhiêu rắc rối khi phải sống nhờ trong thể xác cu Tị.
+ Trương Ba kiên quyết từ chối tái sinh trong thân thể non nớt của cu Tị, không chấp nhận cảnh sống giả tạo; kêu gọi Đế Thích sửa sai bằng một việc làm đúng, đó là cho cu Tị được sống lại. Đế Thích cuối cùng đã thuận theo đề nghị của Trương Ba, làm phép cho anh hàng thịt, cu Tị sống lại và Trương Ba thì chết hẳn.
->Trương Ba là người giàu lòng tự trọng, nhân hậu, vị tha.
– Triết lí được tác giả gửi gắm:
+ Linh hồn và thể xác là hai mặt tồn tại không thể thiếu trong một con người, cả hai đều đáng trân trọng. Một cuộc sống đích thực chân chính phải có sự hài hoà giữa linh hồn và thể xác.
+ Thông qua xác và hồn Lưu Quang Vũ nêu cao tư tưởng phải sống là chính mình đó mới chính là hạnh phúc thật sự của con người.
– Nghệ thuật:
+ Màn kịch thể hiện sự xung đột quyết liệt, căng thẳng giữa Trương Ba và Đế Thích do sự bất đồng về quan điểm sống, nhân vật cần đưa ra sự lựa chọn.
+ Thể hiện đầy đủ những đặc trưng thể loại kịch: mâu thuẫn phát triển đến “đỉnh điểm” đi đến “mở nút”; ngôn ngữ sinh động; giọng điệu biến hoá;…
1,0
1,5
1,0
1,0
Kết bài Đánh giá lại vấn đề 0,75