đề thi thử THPTQG

Lượt xem:

Đọc bài viết

TRƯỜNG PTDT NT ĐĂK MIL
ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA
MÔN: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài 120 phút

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:
Ý nghĩ chiến thắng sẽ giúp bạn trở thành người chiến thắng. Điều đó lý giải tại sao việc biết cách giữ thái độ chiến thắng là quan trọng…
Khi bắt tay vào học tập, điều gì có giá trị nhất đối với bạn? Trí tuệ? Gen di truyền? Hay sự giáo dục? Tất cả những điều trên đều giữ một vai trò nhất định trong khả năng học tập của bạn. Song, có một điều ảnh hưởng đến quá trình học tập của bạn nhiều hơn tất cả những yếu tố trên cộng lại. Đó chính là “thái độ chiến thắng”.
Nếu bạn kỳ vọng ở bản thân mình, có lòng tự trọng cao và niềm tin chiến thắng thì bạn sẽ thành công, sẽ đạt được những kết quả cao. Người xưa có câu “Cái gì nghĩ đến, nó sẽ đến” và Henry Ford bổ sung thêm: “Bạn luôn đúng khi quyết định có thể làm được điều gì và không làm được điều gì”. Hãy nghĩ mình là người chiến thắng, bạn sẽ chiến thắng.
Hãy giữ thái độ tin cậy, mọi thứ sẽ thay đổi tức khắc. Khả năng sẽ biến thành triển vọng và hạn chế sẽ trở thành cơ hội.
(Phương pháp học tập siêu tốc – Bobbi Deporter và Mike Hernaki, NXB Lao động, 2015)
Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.
Câu 2. Theo tác giả, điều gì ảnh hưởng nhất đến quá trình học tập?
Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về ý kiến của tác giả: Hãy nghĩ mình là người chiến thắng, bạn sẽ chiến thắng?
Câu 4. Từ đoạn trích trên, anh/chị rút ra được bài học gì trong học tập?
II. PHẦN LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của vấn đề “chiến thắng chính bản thân mình”.
Câu 2 (5,0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về hình tượng Tnú (Rừng xà nu – Nguyễn Trung Thành, Ngữ văn 12, tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam). Từ đó liên hệ với hình tượng Huấn cao (Chữ người tử tù – Nguyễn Tuân, Ngữ văn 11, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam) để làm rõ vẻ đẹp bi tráng của hai nhân vật.
———– Hết ———

Lưu ý: Học sinh không được sử dụng tài liệu, giáo viên coi thi không giải thích gì thêm./.

ĐÁP ÁN
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3 điểm)
Câu Nội dung Điểm
1 Phương thức biểu đạt chính: nghị luận 0,5
2 Theo tác giả, điều ảnh hưởng nhất đến quá trình học tập là “thái độ chiến thắng” 0,5
3 Câu nói “Hãy nghĩ mình là người chiến thắng, bạn sẽ chiến thắng” có thể hiểu rằng: Khi ta đặt ra mục tiêu cho mình và ta luôn có những suy nghĩ tích cực về nó thì ta sẽ có thêm động lực, có thêm sự tự tin để đạt được mục tiêu. 1,0
4 Rút ra bài học trong học tập
Thí sinh có thể nêu lên nhiều bài học cho bản thân mình nhưng cần cụ thể, tránh diễn đạt chung chung hoặc sáo rỗng. Chẳng hạn như: bài học về sự tự tin, sự quyết tâm, sự say mê, nỗ lực trong học tập 1,0

II. PHẦN LÀM VĂN (7 điểm)
Câu 1
a.Yêu cầu về hình thức:
– Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng để viết một đoạn văn
– Đoạn văn phải có câu mở đoạn phần thân đoạn, câu kết đoạn; bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp
b. Yêu cầu về nội dung đạt các ý sau đây:
Nội dung Điểm
1. Giải thích: Chiến thắng bản thân là tự đấu tranh với chính bản thân mình, vượt lên cái xấu, cái không tốt, cái tầm thường, thấp hèn trong chính con người mình. Đây là cuộc đấu tranh đầy khó khăn, không đơn giản, thậm chí chịu nhiều thiệt thòi, mất mát 0,5
2. Bàn luận:
– Chiến thắng bản thân là cách để con người hoàn thiện nhân cách. Có như thế con người đáng được trân trọng, thể hiện được sự dũng cảm và bản lĩnh của chính mình
– Chiến thắng bản thân là sự nỗ lực vượt qua chính mình. Chiến thắng bản thân giúp ta vượt qua lòng ích kỉ, sự hẹp hòi cá nhân. Mạnh mẽ trước sóng gió cuộc đời. Xóa dần đi những hạn chế và bóng tối trong tâm hồn. Được mọi người yêu quý, cảm phục.
– Người không chiến thắng bản thân chỉ biết thụ động, chìm ngập trong nỗi thất bại, đau đớn.
– Để chiến thắng bản thân cần có bản lĩnh và lòng tự trọng để làm được.
0,25

0,5

0,25

0,25
3. Khẳng định vai trò của việc chiến thắng bản thân. 0,25

Câu 2:
a.Yêu cầu về hình thức:
– Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận văn học để tạo lập văn bản
– Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp
b. Yêu cầu về nội dung
Phần Nội dung Điểm
Mở bài Giới thiệu vấn đề nghị luận: (Tác giả, tác phẩm, hình tượng nhân vật). Hình tượng Tnú được tác giả tập trung khắc họa như là hình tượng trung tâm của “Rừng xà nu” hội tụ nhiều phẩm chất và mang vẻ đẹp bi tráng 0,25
Thân bài 1. Cảm nhận về hình tượng nhân vật Tnú
– Giới thiệu lai lịch nhân vật:
+ Chàng trai Tây Nguyên, sinh ra và lớn lên trong thời đại cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
+ Mồ côi cha mẹ từ nhỏ được dân làng nuôi dưỡng,thuộc bản làng
Xô-Man,dân tộc Strá
– Vẻ đẹp của hình tượng Tnú: Xét theo ba mối quan hệ
+ Quan hệ với dân làng: Khác với Aphủ (“Vợ chồng A phủ”-Tô Hoài) mới 10 tuổi đã tự mình bươn chải,kiếm sống, Tnú được dân làng cưu mang, đùm bọc sống trong vòng tay yêu thương của mọi người nên Tnú gắn bó với bản làng bằng tình yêu ruột thịt. Điều này được biểu hiện qua chi tiết: Sau ba năm tham gia “lực lượng”, dù cấp trên chỉ cấp phép cho về một đêm thôi nhưng Tnú vẫn thực hiện trọn vẹn chuyến về phép ấy và thái độ chào đón của dân làng.
+ Tình yêu sâu sắc đối với vợ con
Tnú xé đôi tấm dồ của mình để Mai dùng làm tấm choàng địu con. Khi chứng kiến cảnh bọn giặc tra tấn vợ con: Từ chỗ ẩn nấp, Tnú đã xông ra và “nhảy xổ vào giữa bọn lính”bất chấp trong tay không tấc sắt, bất chấp đòn thù và sinh mạng của bản thân.
+ Trong mối quan hệ với cách mạng:
++ Tham gia công tác cách mạng khi còn là một cậu bé, làm công tác giao liên, tham gia công việc tiếp tế, nuôi giấu cán bộ, được anh Quyết – cán bộ cách mạng dạy chữ. Mặc dù học chữ còn chậm thua Mai nhưng Tnú đã rất cố gắng,tự trừng phạt mình để quyết tâm theo đuổi với tâm nguyện có được cái chữ thì mới làm được cách mạng
++ Cách mạng là nguồn lực, là lẽ sống của cuộc đời Tnú. Khi còn tuổi thiếu niên,rơi vào tay giặc, bị tra tấn dã man nhưng Tnú nhất quyết không khai báo, tự thừa nhận mình là “cộng sản”; khi đã đến tuổi trưởng thành, trước tận đòn tra tấn tàn khốc của kẻ thù “mười ngón tay đã thành mười ngọn đuốc” nhưng Tnú nhất quyết không kêu dù “răng anh đã cắn nát môi anh”
++ Biểu hiện rõ nhất lí tưởng cách mạng của Tnú: Mặc dù mỗi ngón tay chỉ còn hai đốt nhưng Tnú vẫn gia nhập “lực lượng”, hòa mình vào cuộc đấu tranh chung của toàn dân tộc.
– Đánh giá chung về hình tượng nhân vật.
+ Hình tượng Tnú được xây dựng bằng bút pháp vừa hiện thực, vừa lãng mạn, giàu tính lí tưởng
+ Là hình tượng tiêu biểu nhất cho những phẩm chất của lớp thanh niên Tây Nguyên thời chống Mỹ

0,25

0,25

0,25

0,25

0,25

0,25

0,25

0,25
2. Liên hệ với hình tượng Huấn Cao trong “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân để làm rõ vẻ đẹp bi tráng của hai nhân vật:
a. Giới thiệu về Huấn Cao
Huấn Cao là hình tượng kết tinh vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ của lớp người thuộc về một thời vang bóng, thể hiện quan niệm của Nguyễn Tuân về cái đẹp và vẻ đẹp con người.
b. Vẻ đẹp bi tráng về hai hình tượng:
– Hình tượng Huấn Cao
+ Huấn Cao vẫn giữ thái độ lạc quan trong thời gian bị giam giữ tại nhà tù “trung chuyển”; thản nhiên nhận rượu thịt từ quản ngục mà không hề có chút gợn lòng, tỏ rõ thái độ “ngất ngưỡng” khi đối mặt với gian khổ, hiểm nguy.
+ Nhận ra tấm lòng “biệt nhỡn liên tài”của quản ngục, Huấn Cao nhận lời cho chữ. Cảnh cho chữ diễn ra trong không khí trang trọng, thiêng liêng bất chấp ngoại cảnh khắc nghiệt.
+ Bình thản đón nhận cái chết.
– Hình tượng Tnú:
Vẻ đẹp bi tráng của nhân vật Tnú thể hiện xuyên suốt cuộc đời anh.
+ Tuổi thiếu niên bị giặc bắt, bị tra tấn nhưng Tnú không khai; sau đó vượt ngục thành công.
+ Tuổi trưởng thành: vợ con bị sát hại,bản thân anh bị tra tấn tàn khốc, mỗi ngón tay chỉ còn lại hai đốt – kẻ thù nhằm tiêu diết ý chí cầm giáo mác của anh nhưng không thể ngăn anh cầm súng
+ Trong một trận đánh, với đôi bàn tay không còn lành lặn, Tnú đã bóp chết tên chỉ huy đồn giặc khi nó cố thủ trong hầm.
– Nghệ thuật miêu tả và biểu hiện về vẻ đẹp bi tráng của hai hình tượng: Tnú và Huấn Cao vừa có điểm giống và khác nhau: Hai hình tượng được xây dựng đều dựa vào nguyên mẫu nhưng Nguyễn Tuân thiên về bút pháp lãng mạn, Nguyễn Trung Thành thiên về bút pháp hiện thực

0,25

0,5

0,25

0,25

0,25

0,25

0,25

0,5
Kết bài Đánh giá lại vấn đề đã trình bày ở trên 0,25

————- Hết ————–