Đề KTHK2 Ngữ văn 11 – Ngọc
Lượt xem:
ĐỀ KIỂM TRA HỌC KỲ II, NĂM HỌC 2017- 2018
Môn: Ngữ văn – Lớp 11
(Thời gian làm bài 90 phút, không kể thời gian giao đề)
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4
Những ngày tháng Giêng, tháng khởi đầu của một năm mới, giữa ồn ào bao tin tức, nào Hà Nội tắc đường mùng 1, nào biển người ùn ùn đông nghẹt kéo đến khắp các đền chùa lớn, nào chen chúc mua vàng ngày Thần Tài, nào xô lấn giành giật lộc chùa…, lòng người chợt lặng xuống, vừa thảng thốt, trĩu nặng, vừa cảm phục, yêu thương trước một câu chuyện.
Một cô bé vì bạo bệnh đã phải vĩnh viễn rời xa cuộc đời mà em chỉ mới viết những trang đầu dang dở. Nhưng mẹ em và em đã chọn cho em một cách ra đi không thể đẹp đẽ hơn: tặng lại một phần thân thể của em cho những người cũng không may bệnh tật, thiệt thòi. “Con tặng lại ánh sáng cho bạn khác nhé”. Người mẹ trẻ nhủ cùng con khi em đã “yên giấc”. Và giác mạc của em đã đem lại cơ hội nhìn thấy ánh sáng cho hai người bệnh.
Bảy tuổi ba tháng, cái tuổi mà bạn bè em đều đang thơ ngây tươi vui trong ngập tràn hạnh phúc, thì em đã phải chiến đấu với sự hành hạ của căn bệnh u não, để rồi âm dương chia lìa, bị dứt ra một cách tàn nhẫn khỏi vòng tay cha mẹ. Bất cứ ai trong chúng ta nếu bị đặt trong hoàn cảnh của em, của bố mẹ em chắc đều có thể tức giận vì sự bất công của cuộc đời, số phận. Điều đó là hoàn toàn hiểu được.
Vậy mà không một lời ai oán, món quà em để lại cho đời đâu chỉ là phần thân thể em, đó còn là như cách ai đó đã gọi em – “ngọn lửa Hải An”. Ngọn lửa thắp lên niềm tin vào tình yêu thương, sự tử tế vẹn nguyên vượt lên trên nghịch cảnh.
Không ít người từng nói rằng sự tử tế phải được vun đắp từ mỗi con người, bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất. Thực vậy. Nhưng khi một ngọn lửa của sự tử tế được thắp lên, nó sẽ trở thành “trái tim Đan-kô” dẫn lối trong đêm thẳm hay lụi tắt dần, trách nhiệm thuộc về chúng ta – những người còn lại…
(Thủy Nguyệt- http://vietnamnet.vn, ngày 11/03/2018)
Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ chính của văn bản.
Câu 2. Theo tác giả những món quà mà bé Hải An tặng lại cho cuộc đời là gì?
Câu 3. Biện pháp tu từ nào được sử dung ở cụm từ “ngọn lửa Hải An”?Em hiểu như thế nào về cách gọi bé Hải An là “ngọn lửa Hải An”?
Câu 4. Từ nội dung của văn bản phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (6-8 dòng) trình bày suy nghĩ về sự tử tế trong cuộc sống hôm nay.
II. PHẦN LÀM VĂN (6,0 điểm)
Phân tích bài thơ Tràng giang của Huy Cận.
— Hết —
ĐÁP ÁN
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Câu Nội dung Điểm
1 Phong cách ngôn ngữ: báo chí 0,5
2 Món quà mà bé Hải An tặng lại cho cuộc đời là:
Một phần thân thể của em; khiến con người có niềm tin vào những điều tốt đẹp: tình yêu thương, những điều tử tế vượt lên nghịch cảnh 1.0
3 -Biện pháp ẩn dụ
– Cách gọi “ngọn lửa Hải An” nghĩa là:
– Ngọn lửa: mang ý nghĩa chỉ sự thắp sáng
– Ngọn lửa Hải An nghĩa là số phận và sự ra đi của bé đã thắp sáng, khơi lên niềm tin trong con người vào tình yêu thương, sự tử tế vẹn nguyên vượt lên nghịch cảnh 1,0
4 Viết được một đoạn văn trình bày suy nghĩ của mình về nội dung của văn bản (khoảng 8-10 dòng).Cần đảm bảo nội dung và kết cấu của đoạn văn. 1,5
II. PHẦN LÀM VĂN (6,0 điểm)
1. Yêu cầu về kĩ năng:
– Học sinh nắm vững cách làm bài văn nghị luận văn học.
– Kết cấu rõ ràng, chặt chẽ, lập luận thuyết phục.
– Diễn đạt mạch lạc, trong sáng, giàu hình ảnh, có cảm xúc, sáng tạo.
2. Yêu cầu về kiến thức:
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cơ bản phải hiểu đúng nội dung yêu cầu của đề và đảm bảo một số ý cơ bản sau:
Phần Nội dung Điểm
Mở bài
– Giới thiệu vài nét về nhà thơ Huy Cận: là một trong những nhà thơ xuất sắc nhất của phong trào “Thơ Mới”
– Vài nét về xuất xứ bài thơ Tràng Giang: bài thơ được viết vào mùa thu năm 1939 (in trong tập Lửa thiêng) và cảm xúc được khơi gợi chủ yếu từ cảnh sông Hồng mênh mang sóng nước Bài thơ mang vẻ đẹp vừa cổ điển vừa hiện đại. 0,5đ
Thân bài
– Giới thiệu về nhan đề và câu đề từ.
– Ba khổ thơ đầu nhà thơ tập trung miêu tả bức tranh thiên nhiên trên sông và bên sông. Vừa là cảnh tự nhiên nhưng đồng thời cũng là cảnh tâm trạng. Những yếu tố tạo nên bức tranh tự nhiên đó được chia làm hai loại:
+ Đó là cái hữu hạn, nhỏ bé, lạc loài, cô đơn,…như thuyền, bèo, củi,..Ở đây còn ẩn chứa ý nghĩa biểu tượng: những kiếp người lênh đênh, cô đơn giữa dòng đời.
+ Đó là cái vô hạn đến không cùng: gió, bờ xanh, bãi vàng, sông dài, trời rộng,… không gian rộng lớn, vắng lặng, thiên nhiên thưa thớt, đìu hiu, sự sống của con người thì xa vắng, mơ hồ.
-> Đây là tâm trạng chung của lớp người tri thức trước cách mạng, yêu đất nước, gắn bó với quê hương nhưng bất lực trước thời cuộc, nên thường tìm đến cảnh mênh mộng, hoang vắng, chiều tà những sự vật gợi nên những thân phận, những kiếp người nhỏ nhoi, bơ vơ trong tàn tạ, chia lìa.
– Khổ thơ cuối nói lên nỗi lòng thương nhớ quê hương của nhà thơ. Trên cái nền mênh mông của không gian, xuất hiên một cánh chim nhỏ nhoi, đơn lẻ, khiến cho bức tranh thiên nhiên càng thêm hoang vắng, cô tịch.
Hai câu cuối kế thừa ý thơ của Thôi Hiệu – một nhà thơ của Trung Quốc sống ở thời Đường. Thôi Hiệu nhìn khói sóng mà buồn nhớ quê hương, Huy Cận không có khói sóng mà vẫn nhớ nhà -> thể hiện nỗi nhớ quê hương da diết của nhà thơ. Đó là nỗi buồn của thế hệ thanh niên, tri thức trong những năm tháng nước mất, ngột ngạt bế tắc và là nỗi buồn từ lòng yêu nước kín đáo của nhà thơ.
– Nhận xét về thành công nghệ thuật của bài thơ:
+ Tác giả sử dụng thành công các thủ pháp nghệ như: phép đối, âm điệu, tạo hình ảnh song song,….
+ Vận dụng các lớp từ Hán Việt và những thi liệu truyền thống tạo sắc thái cổ điển cho bài thơ. 0,5
3đ
1đ
0,5đ
Kết bài Nhận định chung về giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ, đồng thời thể hiện niềm đồng cảm với tác giả. 0.5đ
———— Hết————