DE KT HOC KI I NGU VAN
Lượt xem:
ĐỀ KIỂM TRA HỌC KỲ 1, NĂM HỌC 2018-2019
Môn Ngữ văn – Lớp 11
(Thời gian làm bài 90 phút)
I. ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau đây và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:
“Còn gì đáng buồn hơn khi mà giàu có về vật chất thì lại nghèo nàn đến thảm hại về văn hóa tinh thần,… Một bộ phận thanh niên bây giờ nghĩ nhiều, nói nhiều đến tiền bạc, hưởng thụ. Ăn mặc đẹp, tiện nghi hiện đại lắm nhưng con người thì vô cùng mỏng. Gió thổi nhẹ là bay biến tứ tán ngay. Ngày trước dân ta nghèo nhưng đức dày, nhân cách vững vàng, phong ba bão táp không hề gì,… chung quy tại giáo dục mà ra. Cha mẹ bây giờ chiều con quá, không để chúng thiếu thốn gì. Vì thế mà chúng rất mong manh, dễ vỡ, dễ hư hỏng…”
(Theo Nguyễn Khải, báo Đầu tư, sách Ngữ Văn 11 Nâng cao, NXB Giáo dục, 2014)
Câu 1. Văn bản trên nói về hiện tượng gì trong đời sống?
Câu 2. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.
Câu 3. Trong văn bản trên có sử dụng thành ngữ. Hãy ghi lại chính xác và giải thích ý nghĩa của thành ngữ đó.
Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan điểm: “Cha mẹ bây giờ chiều con quá, không để chúng thiếu thốn gì. Vì thế chúng rất mong manh, dễ vỡ, dễ hư hỏng”.
Hãy viết một đoạn văn (khoảng 7-10 dòng) trình bày suy nghĩ của mình về quan điểm trên.
II. LÀM VĂN (6,0 điểm)
Phân tích hình tượng nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân.
— Hết —
Họ và tên học sinh: …………………………………………… Số BD:………………..
HƯỚNG DẪN CHẤM
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Câu Nội dung Điểm
1 Văn bản nói về hiện tượng một bộ phận thanh niên mải chạy theo những nhu cầu về vật chất, không chú trọng đến đời sống văn hóa tinh thần. 1.0
2 Phương thức biểu đạt chính của văn bản là nghị luận. 0.5
3 – Thành ngữ được sử dụng trong văn bản là “phong ba bão táp”.
– Thành ngữ “phong ba bão táp” có nghĩa là những khó khăn, gian khổ. 1.0
4 a) Yêu cầu về kĩ năng: Học sinh biết viết đoạn văn, biết triển khai luận điểm, diễn đạt mạch lạc.
– Yêu cầu hình thức:
+ Không tách dòng
+ Số dòng theo quy định (được phép lớn hoặc nhỏ hơn số dòng quy định 3 dòng).
– Yêu cầu về nội dung: Bài làm có thể diễn đạt theo nhiều cách khác nhau nhưng phải đúng pháp luật, phù hợp với chuẩn mực đạo đức, có văn hóa, đảm bảo các nội dung chính sau:
b) Yêu cầu về kiến thức
– Giới thiệu được vấn đề cần nghị luận.
– Bày tỏ sự đồng tình hoặc không đồng tình và biết cách lập luận bảo vệ ý kiến của bản thân . Ví dụ:
+ Đồng tình vì cha mẹ hiện nay thương con mù quáng nên chiều theo sở thích cá nhân của con vô điều kiện; do điều kiện về kinh tế vật chất đi lên so với thời đại trước nên muốn bù đắp cho con; không muốn con thua sút bạn bè; con cái đòi hỏi ở cha mẹ nhiều hơn nên nếu gặp khó khăn, trở ngại trẻ không có bản lĩnh để vượt qua trở nên yếu đuối tự ti, bạc nhược.
+ Không đồng tình vì cha mẹ bây giờ dạy con có nhiều phương pháp tiên tiến: cung cấp vật chất nhưng không thỏa mãn, dạy con tự lập, làm giàu chính đáng, chú trọng rèn kĩ năng sống cho con nên thanh niên bây giờ bản lĩnh và nhiều khao khát. Rất nhiều bạn trẻ đã thành công và rạng danh đất nước…) 1.5
PHẦN LÀM VĂN (6,0 điểm)
1. Yêu cầu về kỹ năng
– Nắm vững kiểu bài phân tích hình tượng nhân vật trong tác phẩm văn học.
– Trình bày ngăn gọn, đủ ý, diễn đạt lưu loát.
– Bố cục rõ ràng. Văn có cảm xúc.
– Không sai lỗi chính tả, lỗi diễn đạt.
2. Yêu cầu về kiến thức
– Nắm vững nội dung tác phẩm Chữ người tử tù, từ đó phân tích được hình tượng nhân vật Huấn Cao.
– Có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng đảm bảo được các ý chính sau:
Phần Nội dung Điểm
Mở bài – Giới thiệu khái quát tác giả Nguyễn Tuân, tập truyện Vang bóng một thời, truyện ngắn Chữ người tử tù.
– Dẫn hình tượng nhân vật Huấn Cao. 0.5
Thân bài * Khái quát lai lịch nhân vật
– Có thể nói Huấn Cao đã được xây dựng từ nguyên mẫu có thật trong lịch sử là người anh hùng Cao Bá Quát, một con người tài hoa, bản lĩnh, nhân cách thanh cao …
– Là một người anh hùng đã lãnh đạo nhân dân chống lại triều đình. Cuộc khởi nghĩa bị thất bại, Huấn Cao bị kết án tử hình… 1.0
Vẻ đẹp hình tượng nhân vật Huấn Cao
a) Vẻ đẹp tài hoa
– Huấn cao là một con người văn võ toàn tài. Ở đây chúng ta chỉ đi sâu vào khía cạnh tài hoa nghệ sĩ của nhân vật. Ông là một nhà thư pháp lừng danh…
– Huấn Cao là người có tài viết chữ rất nhanh và đẹp ….
– Tài năng khác thường, lý tưởng … 1.0
b) Vẻ đẹp khí phách
– Huấn Cao là người có khí phách: Mộng lớn không thành, ông cũng rơi vào tình thể hổ sa cơ nhưng con người ấy vẫn giữ được cốt cách khí phách hiên ngang của mình
– Huấn Cao là người có khí phách:
+ Ung dung làm chủ ngục tù …
+ Thể hiện trong cảnh cho chữ … 1.0
c) Vẻ đẹp thiên lương
– Thiên lương là bản tính lương thiện được trời phú bẩm ngay từ khi mới sinh ra.
– Bản thân Huấn Cao là người có thiên lương …..
– Huấn cao muốn người khác cũng bừng sáng thiên lương …. 1.0
* Ý nghĩa hình tượng nhân vật Huấn Cao
Qua hình tượng nhân vật Huấn Cao nhà văn Nguyễn Tuân đã:
– Thể hiện quan niệm của mình về cái đẹp …
– Thể hiện tấm lòng yêu nước thầm kín nhưng tha thiết … 1.0
Kết bài – Vẻ đẹp hình tượng nhân vật Huấn Cao được đặt trong một tình huống truyện đọc đáo …
– Xây dựng nhân vật Huấn Cao, Nguyễn Tuân đã thể hiện phong cách của mình … 0.5