DE KT HKI – NGU VAN 10

Lượt xem:

Đọc bài viết

ĐỀ KIỂM TRA CUỐI HỌC KỲ 1, NĂM HỌC 2018- 2019
Môn Ngữ văn – Lớp 12
(Thời gian làm bài 90 phút)

I. ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)
Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:
Dặn con
Chẳng ai muốn làm hành khất
Tội trời đày ở nhân gian
Con không được cười giễu họ
Dù họ hôi hám úa tàn.

Nhà mình sát đường, họ đến
Có cho thì có là bao
Con không bao giờ được hỏi
Quê hương họ ở nơi nào.

Con chó nhà mình rất hư
Cứ thấy ăn mày là cắn
Con phải răn dạy nó đi
Nếu không thì con đem bán.

Mình tạm gọi là no ấm
Ai biết cơ trời vần xoay
Lòng tốt gửi vào thiên hạ
Biết đâu nuôi bố sau này…
(Trần Nhuận Minh, Nhà thơ và hoa cỏ, NXB Văn học, 1995)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của bài thơ.
Câu 2. Ở khổ thơ đầu, lời dặn con của người cha mang đến một cách nhìn như thế nào về người hành khất?
Câu 3. Tại sao người cha dặn dò con:“Con không bao giờ được hỏi / Quê hương họ ở nơi nào”?
Câu 4. Anh/ chị hãy viết một đoạn văn trình bày suy nghĩ của mình về sự cảm thông, chia sẻ giữa con người với nhau (Trình bày khoảng 7 đến 10 dòng).
II. LÀM VĂN (6.0 điểm)
Anh (chị) hãy phân tích vẻ đẹp theo thủy trình của dòng sông Hương trong bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông ?” của Hoàng Phủ Ngọc Tường.
— Hết —

Họ và tên học sinh: …………………………………………… Số BD:………………..

HƯỚNG DẪN CHẤM
Ý Nội dung Điểm
I ĐỌC – HIỂU
1 Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm. 0.5
2 Lời dặn con của người cha ở khổ thơ đầu đã mang đến một cách nhìn rất giàu chất nhân văn về người hành khất: cảm thông, xót thương cho cảnh ngộ đau khổ và số phận bất hạnh của họ; cho rằng dù vì bất kỳ lí do gì, thân phận hành khất là điều không ai chờ đợi, mong muốn đón nhận trong cuộc đời. 1.0
3 Người hành khất phải xa lìa gia đình, quê hương để “Tha phương cầu thực” nên nếu ai đó hỏi về nơi chôn rau cắt rốn chỉ càng khiến họ thêm nhớ thương, xót xa, tủi hổ, đau đớn. 1.0
4 Học sinh viết được đoạn văn (khoảng 7 – 10 dòng) bày tỏ được suy nghĩ chân thành sâu sắc của bản thân về sự cảm thông, chia sẻ giữa con người với con người. 1.5

II LÀM VĂN
(Yêu cầu kết hợp nội dung và nghệ thuật trong quá trình phân tích)
Mở bài Giới thiệu những nét chính về tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, dẫn dắt vấn đề cần phân tích. 0.5
Thân bài – Sông Hương ở thượng nguồn
+ Là “bản trường ca của rừng già” “rầm rộ dưới bóng cây đại ngàn”, “mãnh liệt qua những ghềnh thác”; lúc lại dịu dàng say đắm dưới dặm dài chói lọi hoa đỗ quyên …”
+ “Cô gái Di – gan”: phóng khoáng, man dại, tâm hồn tự do, trong sáng, bản tính gan dạ…
+ Sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ“người mẹ phù sa của vùng văn hóa xứ sở”
=>Bằng những hình ảnh đầy ấn tượng kết hợp với việc sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã gợi ra tính cách “man dại “, “mãnh liệt” của sông Hương ở thượng nguồn. Chính bởi lẽ đó mà nhà văn nhắc nhở ta ý nghĩ rằng “người ta sẽ không hiểu đầy đủ bản chất của sông Hương với cuộc hành trình đầy gian truân mà nó đã vượt qua, không thấu hiểu phần tâm hồn sâu thẳm của nó mà dòng sông hình như không muốn bộc lộ, đã đóng kín lại ở cửa rừng và ném chìa khóa trong những hang đá dưới chân núi Kim Phụng”. 1.5
– Sông Hương ở ngoại vi thành phố Huế
+ Xuôi dòng về vùng đồng bằng và ngoại vi thành phố Huế, sông Hương lại mang vẻ đẹp khác, một nét đẹp quyến rũ mềm mại hứa hẹn những điều thú vị qua so sánh: người con gái đẹp nằm ngủ mơ màng.
+ “Sông Hương đã chuyển dòng một cách liên tục, vòng giữa khúc quanh đột ngột, uốn mình theo những đường cong thật mềm …”, “sông Hương đi trong dư vang của Trường Sơn, vòng qua một lòng vực sâu dưới chân núi Ngọc Trản…”
+ Màu nước biến ảo: sớm xanh, trưa vàng, chiều tím – tím Huế

1.0
– Sông Hương khi chảy vào lòng thành phố.
+ Tác giả so sánh sông Hương với những dòng sông nổi tiếng trên thế giới, sông Hương chỉ thuộc về một thành phố duy nhất, giống như người con gái chung thủy.
+ “Sông Hương vui tươi hẳn lên…đông bắc”. Nhà văn cảm nhận sông Hương như một thực thể sống động, có niềm tin, tâm trạng khi tìm lại được chính mình
+ “Chiếc cầu trắng… lời của tình yêu”. Đó là vẻ đẹp thanh thoát của sông Hương và cầu Tràng Tiền được miêu tả qua nghệ thuật so sánh tài hoa.
+” Điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế”, sông Hương chảy chậm, điệu chạy lững lờ vì nó quá yêu thành phố của mình.
1.5
d. Sông Hương trước khi từ biệt Huế ra biển: như một người con gái lưu luyến, thủy chung từ biệt người yêu.
+ Chếch hướng chính bắc, ôm lấy đảo Cồn Hến
+ Đột ngột đổi dòng, rẻ ngoặt sang hướng đông tây để gặp lại thành phố lần cuối
=> Tác giả chủ yếu cảm nhận vẻ đẹp sông Hương từ góc độ tình yêu khiến sông Hương hiện lên như một người con gái chung tình 0.5
– Nghệ thuật:
+ Nhà văn đã phối hợp kết hợp linh hoạt giữa kể và tả, sử dụng tài hoa các biện pháp tu từ nghệ thuật như nhân hóa, so sánh, ẩn dụ. Qua nghệ thuật nhân hóa, con sông vô tri, vô giác bỗng trở nên có sinh mệnh, có linh hồn, có tính cách, tâm trạng
+ Ngôn ngữ trong sáng, tinh tế, giàu hình ảnh, nhạc điệu, đậm chất trữ tình, chất thơ…
+ Giọng văn đầy biến hóa, khi tha thiết, ngân vang, khi bâng khuâng xao xuyến, khi dịu dàng đằm thắm. 0.5
Kết bài – “Ai đã đặt tên cho dòng sông ?” là tác phẩm văn xuôi súc tích và đầy chất thơ về sông Hương. Với xúc cảm sâu lắng được tổng kết từ một vốn hiểu biết phong phú về văn hóa, lịch sử, đại lí, văn chương và một văn phong tao nhã, nhà văn đã tái hiện thành công vẻ đẹp con sông Hương – công trình nghệ thuật thiên tạo mà hóa công đã ưu ái ban tặng cho con người và xứ Huế mộng mơ. 0.5